Các giao dịch nhà đất với giá trị lên đến hàng tỷ đồng luôn là “món mồi ngon” của các đối tượng xấu. Vấn nạn lừa đảo bằng cách làm giả giấy tờ đang làm giới kinh doanh BĐS vô cùng đau đầu, bởi chỉ cần sơ sẩy, bạn đã bị lừa trắng tay mà không hay biết.
Các đối tượng lừa đảo mua bán nhà đất bằng giấy tờ giả như thế nào?
Lừa đảo mua bán nhà đất bằng giấy tờ, sổ đỏ giả là hình thức mà cả 2 đối tượng người bán và người mua đều có thể bị nhắm tới và dễ dàng rơi vào bẫy.
Với người bán: Đây là trường hợp lừa đảo khá phổ biến. Kẻ xấu sẽ vào vai người đi mua nhà và liên hệ với người bán. Chúng sẵn sàng đặt cọc một số tiền để tạo uy tín và hỏi mượn sổ, xin lấy thông tin sổ với lý do vô cùng hợp lý: “Cần phải xác thực lại thông tin”. Và hiển nhiên, từ các thông tin đó cùng với công nghệ hiện đại, một cuốn sổ giả được ra đời. Tiếp theo, vẫn với “mánh” cũ, các đối tượng sẽ tìm cách tráo sổ thật và giả, sau đó “chuồn êm”.
Với người mua: Ngược lại, các đối tượng sẽ vào vai người cần bán nhà đất hoặc người được ủy quyền. Chúng tiến hành làm giả nhiều bộ hồ sơ giấy tờ nhà đất, sổ đỏ dựa trên sổ đỏ thật, hoặc thậm chí là không có thật, để tiến hành bán cho nhiều người để gom số tiền lớn trước khi “cao chạy xa bay”.
Cách phân biệt giấy tờ nhà đất giả
1. Xác minh tại cơ quan quản lý Nhà nước
Đây là biện pháp đảm bảo nhất mà các chuyên gia khuyên khách hàng nên thực hiện, nhằm chắc chắn rằng mình không bị “trắng tay” vì giấy tờ nhà đất giả.
Bạn có thể mang giấy tờ nhà đất (có thể dùng bản sao) ra các cơ quan có thẩm quyền như Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường… để kiểm tra. Thông qua các cơ quan này, bạn có thể dễ dàng kiểm tra xem giấy tờ nhà đất có bị làm giả hay không, thông tin trên giấy tờ có chính xác, đúng với quy hoạch hay không.
2. Kiểm tra tại văn phòng công chứng uy tín
Để đáp ứng nhu cầu giao dịch, kiểm tra và xác nhận giấy tờ nhà đất ngày một tăng, các văn phòng công chứng quy mô lớn hiện đều được trang bị máy soi hiện đại, đội ngũ công chứng viên được đào tạo bài bản… để giúp khách hàng nhận biết được giấy tờ nhà đất giả.Ngoài ra, có một cách dễ tiến hành hơn, nhưng độ xác thực không được đảm bảo: Bạn có thể đến khu vực nơi có nhà, đất đang giao dịch để tìm hiểu thông tin liên quan, như nguồn gốc đất, chủ sở hữu, các vướng mắc hay tranh chấp xung quanh khu đất… thông qua dân cư, tổ dân phố ở đó. Từ các thông tin này, bạn tiến hành đối chiếu với thông tin ghi trong giấy tờ nhà đất do người bán cung cấp.
3. Một số cách phân biệt thủ công
Giấy tờ nhà đất thật được in bằng công nghệ in offset, nên hình ảnh sẽ sắc nét, các đường nét vuông vức, rõ ràng, màu mực đồng màu trên cùng chi tiết in. Ngược lại, giấy tờ nhà đất giả thường được in bằng màu kỹ thuật số, cho ra các chi tiết in không sắc nét, không đồng màu.
– Phân biệt bằng đèn pin:
Chiếu xiên đèn pin một góc 10-20 độ tại vị trí dấu nổi (góc dưới bên phải mặt trước sổ hồng). Nếu là sổ thật, các đường nét in sẽ nổi rõ ràng, dấu và mã hiệu được đóng ngay ngắn. Ngược lại với sổ giả, các chi tiết in nổi sẽ rất mờ nhạt, mã hiệu đóng bị lệch.
Ngoài ra, bạn có thể quan sát chữ ký và con dấu của người có
thẩm quyền cấp sổ. Đối với sổ giả, các chi tiết này được scan lại nên chữ ký và con dấu thường bị mờ nhạt, đứt quãng. Chữ ký trên sổ giả sẽ không có vết hằn của lực tì đè khi ký.
Cảnh giác trước các dấu hiệu bất thường
Có một số dấu hiệu nhỏ mà bạn có thể kiểm tra ngay khi tiếp nhận giấy tờ nhà đất, như:
Nếu giấy tờ đã được cấp khá lâu nhưng giấy, nét mực vẫn còn mới, chất liệu giấy dày hoặc mỏng hơn bình thường, có dấu vết tẩy xóa hoặc cố tình làm bẩn… thì có thể giấy tờ này vừa mới được làm giả.
Khi xem sổ đất, đối với các sổ có trang bổ sung, cần kiểm tra phương pháp in (in offset), dấu giáp lai và kiểm tra xem trang này bị tẩy xóa hay không.
Đối với sổ đã thế chấp nhiều lần, cần kiểm tra kỹ dấu, chữ ký của Văn phòng đăng ký nhà đất.
Một lưu ý nữa, dù có là kẻ lừa đảo chuyên nghiệp đến đâu, chắc chắn trong quá trình thực hiện cũng sẽ lộ ra sơ hở. Nếu trong quá trình giao dịch, bạn nhận thấy đối tác có các dấu hiệu bất thường như luôn hối thúc giao dịch nhanh, mập mờ các thông tin, đặc biệt quá thoải mái, dễ dàng đàm phán, thỏa thuận thì cần phải chú ý.
“Cẩn tắc vô áy náy”, hãy tự bảo vệ mình bằng cách cẩn thận kiểm tra lại nếu cảm thấy khả nghi. Hoặc tốt nhất, bạn nên kiểm tra các giấy tờ nhà đất trước khi xuống tiền giao dịch như một thói quen cần thiết.
MuaBanNhaDat theo TBKD